Cận cảnh thị trường lao động dịp Tết Nguyên đán 2017: Nhiều việc làm, tỉnh táo né “bẫy”!
Nhu cầu lao động tại các tỉnh khác cũng khá cao, điển hình như tại Hải Dương, siêu thị Big C đăng tuyển 66 nhân viên tăng cường dịp Tết cổ truyền.
Thị trường lao động – việc làm cuối năm đang rất “nóng”, nhiều doanh nghiệp (DN) đang “khát” lao động nhằm chạy “nước rút” cho các đơn hàng cuối năm và đáp ứng tần suất hoạt động sản xuất, kinh doanh (SX-KD) tăng đột biến trong dịp Tết Nguyên đán 2017.
Kết quả khảo sát của Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động Tp.HCM (FALMI) tại 1.300 DN cho thấy nhu cầu tuyển dụng lao động của các DN trong khoảng thời gian từ tháng 12/2016 – 1/2017 vào khoảng trên 28.000 lao động. Đặc biệt, nhu cầu lao động thời vụ trong dịp Tết Nguyên đán lên tới 30.000 người.
Doanh nghiệp “khát” lao động
Ông Trần Anh Tuấn – Phó Giám đốc FALMI, cho biết: “Nhu cầu tuyển dụng gồm hai phân khúc: lao động cố định và lao động thời vụ. Với lao động cố định, các DN chú trọng lao động có trình độ, tay nghề cao. Tập trung tại các nhóm ngành công nghệ thông tin, điện dân dụng, cơ khí, điện tử… Với lao động thời vụ, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực SX-KD phục vụ Tết, như: bán hàng, điện tử, điện lạnh, thực phẩm, dệt may…”.
Không chỉ Tp.HCM, tại nhiều KCN trên địa bàn các tỉnh phía Nam, các DN cũng đang rất “khát” lao động để đáp ứng nhu cầu đẩy mạnh sản xuất dịp cuối năm. Điển hình như tại Bình Dương, nhu cầu lao động trong tháng cuối năm lên tới hơn 20.000 lao động, trong đó hơn 50% là lao động thời vụ.
Tại khu vực phía Bắc, Hà Nội là “tâm bão” của thị trường lao động. Theo đại diện trang website tuyển công nhân, mỗi ngày có hơn 60.000 lượt truy cập để tìm việc làm. Tổng đài của website cũng tiếp hàng nghìn cuộc gọi xin tư vấn việc làm mỗi ngày. Đơn cử như bảng tin tuyển dụng của LG Display, chỉ trong vòng 5 ngày đã có hơn 7.300 lượt xem, hàng trăm hồ sơ ứng tuyển.
Khảo sát trên địa bàn Tp.Hà Nội, nhiều DN, đơn vị kinh doanh cũng đang rốt ráo tuyển dụng lao động. Điển hình như Lotte Mart tuyển hơn 60 nhân viên chuyên phục vụ Tết Nguyên đán, với các công việc gói quà, trưng bày hàng hóa, kiểm tra date (hạn sử dụng) sản phẩm, thu ngân, giao hàng. Metro Cash & Carry tuyển dụng 20 công nhân thời vụ chuyên gói giỏ quà Tết, làm việc theo ca (8 tiếng/ca), có cơ hội trở thành nhân viên chính thức…
Tại các KCN, thị trường lao động cũng đang rất “nóng”. Công ty Cu Tech Việt Nam đăng tuyển hơn 500 công nhân, LG Diplay đăng tuyển 2.000 công nhân, công ty cơ khí Đồng Nhẫn tuyển 10 công nhân thời vụ với mức lương từ 5 – 8 triệu/tháng…
Nhu cầu lao động tại các tỉnh khác cũng khá cao, điển hình như tại Hải Dương, siêu thị Big C đăng tuyển 66 nhân viên tăng cường dịp Tết cổ truyền.
Thận trọng việc làm “ma”
Với mức lương phổ biến từ 4 – 8 triệu/tháng, không đòi hỏi nhiều về bằng cấp, chuyên môn, đặc thù công việc đơn giản, ít ràng buộc, ngay cả lao động tại các KCN, nhà máy cũng không yêu cầu cao về thể lực, chuyên môn. Vì vậy, việc làm dịp Tết thu hút sự quan tâm lớn của nhiều đối tượng, đặc biệt là sinh viên, lao động phổ thông có nhu cầu kiếm thêm thu nhập.
Cung – cầu việc làm tăng đột biến, để đáp ứng thị trường lao động, các trung tâm giới thiệu việc làm (GTVL) mọc lên như “nấm”. Bên cạnh những trung tâm uy tín, nhiều trung tâm được dựng lên với đủ các chiêu trò nhằm giăng “bẫy” lừa đảo người lao động, đặc biệt là lực lượng lao động phổ thông và sinh viên.
Đặc biệt, các trung tâm GTVL “ma” đang hoạt động ngày càng tinh vi. Để tăng uy tín, nhiều trung tâm chọn vị trí gần trung tâm, cạnh các công ty lớn, trang bị tiện nghi. Các trung tâm liên kết với nhau để giới thiệu người lao động qua lại nhằm thu phí giới thiệu từ 50.000 – 200.000 đồng/người/lượt. Các trung tâm GTVL “ma” hoạt động tinh vi với đủ các chiêu trò đang khiến không ít người rơi vào bẫy.
Lê Huy Phước – sinh viên năm 3 (Đại học Điện lực Hà Nội), người vừa “dính bẫy” của một trung tâm GTVL tại Hà Nội, chia sẻ: “Mình đọc tờ rơi giới thiệu của trung tâm GTVL Hưng Vượng (Hai Bà Trưng, Hà Nội), quảng cáo việc làm phát quà siêu thị, lương 2 triệu/ca/2 tiếng (có thể làm nhiều ca), miễn trung gian, miễn phí tư vấn. Khi đến nơi, nhân viên chỉ đưa một tờ hợp đồng sơ sài, không rõ điều khoản, rồi thu 100.000 đồng để làm đồng phục. Sau đó, mình bị đưa tới một trung tâm khác và tiếp tục phải nộp thêm 100.000 để làm thẻ. Nhận thấy có dấu hiệu lừa đảo, mình từ chối và muốn lấy lại tiền thì bị “lật mặt” và nhanh chóng bị đuổi đi”.
Đặc điểm chung của các trung tâm GTVL “ma” là quảng cáo công việc lương cao, nhàn hạ, cùng với các chế độ đãi ngộ như mơ để “hút” người lao động. Theo nhiều người, phần lớn “rác quảng cáo” tờ rơi giới thiệu việc làm tại các cột điện, bờ tường, bảng điện… đều là các trung tâm lừa đảo. Dù quảng cáo việc làm tốt, nhưng một là liên kết với nhau để lừa tiền đặt cọc, bán hồ sơ; hai là lừa công việc nặng nhọc, lương bèo bọt.
Tết Nguyên đán luôn là “cao điểm” của thị trường lao động. Thực tế có rất nhiều công ty, trung tâm tư vấn uy tín, các tổ chức nhà nước giới thiệu việc làm tốt, chi phí tư vấn rẻ, đáp ứng nhu cầu của người lao động. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện tại, người lao động cần tỉnh táo để lựa chọn đơn vị trung gian uy tín, tránh “tiền mất, tật mang”.
Leave a Reply