Nhiều việc làm tết cho sinh viên, nhưng cẩn trọng khi xin việc
Hết chương trình lâu mà chưa nhận được lương, chúng tôi gọi người đứng ra phỏng vấn, nhưng không liên lạc được mới biết bị lừa. Coi như đi làm không công, nhất là giai đoạn gần tết rất nhiều đối tượng lừa đảo xuất hiện”.
Để có tiền lo học phí, trang trải cuộc sống và về thăm nhà dịp tết, trong thời gian này tại TPHCM, nhiều sinh viên đang tranh thủ kiếm việc làm thêm. Trong bối cảnh nhu cầu kiếm việc tăng cao, nhiều kẻ lừa đảo đã móc túi các sinh viên cần việc.
Thận trọng “bút sa gà chết”
Trần Thị Nhung (sinh viên năm 3 Trường ĐH Văn Lang) đang lùng sục trên mạng tìm việc làm thêm để có tiền về quê dịp tết. Nhờ dáng đẹp, năm ngoái, Nhung đã xin được việc đứng đón khách tại nhà hàng tiệc cưới, mức thù lao từ 80.000 – 200.000 đồng/giờ. Nhưng trước ngày về quê, lãnh tiền lương Nhung mới hay bị quản lý trừ những khoản tiền phạt vô lý như trang điểm lợt, đứng cầm điện thoại, cười ít…
Đúng là trong thời gian đón khách có khi bị nhắc nhở, nhưng Nhung lại không nghĩ bị trừ tiền như vậy. Trong nội dung hợp đồng có điều khoản trừ tiền khi vi phạm các quy định, nhưng Nhung chủ quan… thế là vất vả làm thêm cả tháng mà chẳng đủ tiền xe về quê.
Còn Ngô Khánh Đạt (quê Bình Thuận, sinh viên năm cuối Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) dò tìm mỏi mắt việc làm trên mạng mới thấy thông tin rao tuyển nhân viên phục vụ làm theo giờ, lương cao. Ngay cuộc gọi đầu tiên, Đạt phấn khởi vì người phỏng vấn hẹn tại một quán nước, và Đạt đi gặp ngay. Người tuyển cho hay những việc họ rao trên mạng đã tuyển đủ người.
Do vậy, Đạt đành nhận làm phục vụ hưởng lương tháng ở một nhà hàng, nhưng phải trả cho người phỏng vấn 500.000 đồng, có biên lai thu, nếu thấy không phù hợp sẽ được đổi công việc khác trong vòng 1 tháng. Làm việc nặng, về rất muộn, nhưng quản lý bắt bẻ đủ điều nên Đạt xin nghỉ. Sau đó, Đạt liên hệ nơi rao tuyển để được giới thiệu tìm việc khác, thì không ai biết người nhận tiền là ai, biên lai không hợp lệ, gọi điện thoại cho người phỏng vấn thì không nghe máy. Quay lại hỏi chủ nhà hàng thì chỉ đăng tin trên mạng chứ không biết người môi giới. Đã bị lừa mất tiền cọc, mà tiền lương làm 1 tuần cũng không được trả, do bị giữ lại thế chân khi mới làm.
Nghề PG (quảng bá thương hiệu, sản phẩm) đang được rất nhiều sinh viên tìm kiếm, do việc nhẹ nhàng, lương cũng khá cao, làm thời vụ ngắn. Trên Facebook thường có công ty, quản lý đăng tuyển nhóm tìm việc PG. Nhưng nhiều người môi giới lợi dụng tuyển sinh viên làm thêm, rồi quỵt tiền lương.
Đinh Diệu Huyền kể: “Nghề PG cũng khổ. Nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuê các công ty quảng cáo nên tự làm, thông qua người có đội ngũ nhân viên sẵn sàng làm việc ngay. Hết chương trình lâu mà chưa nhận được lương, chúng tôi gọi người đứng ra phỏng vấn, nhưng không liên lạc được mới biết bị lừa. Coi như đi làm không công, nhất là giai đoạn gần tết rất nhiều đối tượng lừa đảo xuất hiện”.
Nên tìm nơi uy tín
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng của Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TPHCM, cho biết: “Mùa tết năm nay công việc dồi dào, đã có hơn 350 đơn vị đăng ký tìm sinh viên làm thêm, cùng nhiều đầu việc khác nhau. Hiện nay chưa vào thời điểm làm thêm mùa tết nhưng một số siêu thị, doanh nghiệp đã đăng ký tuyển lao động làm thời vụ trước. Trong những ngày tết, có nhiều việc cho sinh viên ở lại TPHCM như bảo vệ đường hoa, bảo vệ nhà cửa, hướng dẫn ở khu vui chơi giải trí…
Thông tin việc làm được mở rộng nhiều kênh như Trung tâm Giới thiệu việc làm TPHCM, các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín và các đoàn thể trong trường đại học”. Siêu thị Big C An Phú (quận 2) đang đăng ký tìm sinh viên làm thêm tại Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên, với nhiều đầu việc như giữ kho, thu ngân… làm ngày cao điểm cận tết.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng cũng khuyến cáo, các bạn sinh viên nên thận trọng khi tìm việc trên mạng. Mỗi năm, các đối tượng lừa đảo luôn thay đổi phương thức mới với kịch bản tinh vi nên không thể cảnh báo trước được. Những nơi tuyển dụng dễ dàng, công việc nhẹ nhàng mà trả lương cao thì phải thận trọng vì dễ dàng sập bẫy. Nên tìm việc ở công ty lớn không qua trung gian, hoặc qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để không bị mất tiền cọc. Và phải chú ý đọc kỹ hợp đồng trước khi ký.
Với những người môi giới lấy tiền trên đầu việc, phải thận trọng với những lời hứa hẹn nâng tầm giá trị công việc cao sang, nhàn rỗi, lương cao, vì khi nộp tiền môi giới rồi thì đến nơi phỏng vấn mới hay trái ngược hoàn toàn, do vậy phải nhận định được công việc chứ không nghe những lời chung chung.
Leave a Reply