Lao động dịp Tết 2017: Tha hồ chọn việc, kiếm tiền tăng thu nhập
Hình thức phổ biến là đăng tuyển những công việc nhẹ nhàng, lương hấp dẫn như bán hàng, giới thiệu sản phẩm… Khi người lao động đến đăng ký thường bị yêu cầu đóng phí giới thiệu, tiền đặt cọc giữ chỗ nhưng không kết nối được công việc và cũng không trả lại tiền.
Nhiều lựa chọn, lương hấp dẫn
Những ngày cận Tết, các doanh nghiệp thường thiếu lao động thời vụ nên anh Nguyễn Văn Phương (Bắc Từ Liêm, Hà Nội) đã nhờ người quen giới thiệu việc làm, kiếm thêm thu nhập. “Ngày thường tôi làm công việc chở vải cho các xưởng may gần nhà, nhưng khoảng 1 tháng nay hầu như các xưởng đóng cửa vì hết đơn hàng.
Nhờ người quen giới thiệu, tôi vừa nhận được công việc giao hàng của một đại lý chuyên phân phối quần áo trẻ em. Tuy việc giao hàng phải đi lại nhiều nhưng tôi không gặp khó khăn vì đã có kinh nghiệm trong việc vận chuyển” – anh Nguyễn Văn Phương cho biết.
Công việc thời vụ được tuyển dụng nhiều thời điểm này là thu ngân, nhân viên bán hàng, bảo vệ, giúp việc theo giờ, đóng gói hàng hóa… Mức lương dao động từ 10.000 – 50.000 đồng/giờ, tùy theo thời gian và khối lượng công việc. Khảo sát tại một vài cơ sở sản xuất bánh, kẹo phục vụ thị trường dịp Tết Nguyên đán, đối với những công việc giản đơn như đóng gói, vận chuyển hàng hóa… giá nhân công dao động từ 150.000-200.000 đồng/ngày (phụ thuộc vào việc có bữa ăn trưa hoặc không).
Không chỉ riêng các doanh nghiệp mà các cửa hàng, siêu thị cũng bắt đầu cao điểm. Việc mua sắm, chuẩn bị cho Tết cổ truyền bắt đầu khởi động. Thị trường cần nhiều lao động thời vụ, đây cũng là cơ hội cho các bạn sinh viên lựa chọn công việc làm thêm phù hợp.
Vừa kết thúc đợt thi học kỳ, Trần Thu Lan (sinh viên năm cuối trường ĐH Mỏ – Địa chất, Hà Nội) đã tranh thủ đi tìm việc làm thêm. “Qua giới thiệu của bạn bè, tôi được một công ty tuyển dụng, công việc là phát sản phẩm bánh kẹo. Chưa kết thúc công việc này, tôi còn được giới thiệu 3-4 công việc khác. Những tháng trước để tìm được việc làm thêm phù hợp với thời gian của mình rất khó. Nhưng thời điểm này thời gian trống khá nhiều, công việc làm thêm lại đa dạng nên cơ hội kiếm tiền tiêu Tết khá dễ dàng” – Thu Lan chia sẻ.
Cảnh giác “bẫy” giới thiệu việc làm
Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội (Sở LĐ-TB&XH Hà Nội) Vũ Thị Thanh Liễu cho biết, theo số liệu thống kê từ các phiên giao dịch việc làm tháng 12-2016, nhu cầu tuyển dụng tập trung chủ yếu vào nhóm ngành dịch vụ, thương mại. Trong đó, nhu cầu tuyển dụng lao động phục vụ dịp Tết tăng mạnh như: bán hàng hội chợ, giao hàng, sản xuất bánh kẹo mứt Tết…
Thời điểm này, nhu cầu tuyển dụng đối với công việc cố định có phần chững lại. Doanh nghiệp gấp rút hoàn thành kế hoạch và cân đối thu-chi, người lao động tạm thời dừng “nhảy việc” để chờ đợi tiền thưởng Tết. Do đó, phần lớn hồ sơ ứng tuyển là lao động tự do, sinh viên mới ra trường, bà Vũ Thị Thanh Liễu phân tích.
Còn theo Trung tâm Dịch vụ việc làm thanh niên Hà Nội, thời điểm này trung tâm có khoảng 2.000 đầu việc. Trung bình khoảng 300 sinh viên đến tìm việc làm thêm mỗi ngày, 30% trong số đó có thể tìm được công việc phù hợp.
Bên cạnh sự sôi động của thị trường lao động thì nhiều đối tượng lừa đảo việc làm cũng bắt đầu “giăng bẫy” chờ con mồi. Hình thức phổ biến là đăng tuyển những công việc nhẹ nhàng, lương hấp dẫn như bán hàng, giới thiệu sản phẩm… Khi người lao động đến đăng ký thường bị yêu cầu đóng phí giới thiệu, tiền đặt cọc giữ chỗ nhưng không kết nối được công việc và cũng không trả lại tiền.
Để tránh “sập bẫy” lừa đảo việc làm, các chuyên gia nhân sự khuyến cáo người lao động cảnh giác với những trung tâm giới thiệu việc làm có cơ sở vật chất sơ sài, chưa tư vấn rõ ràng đã yêu cầu đóng tiền đặt cọc. Sau khi biết được thông tin tuyển dụng, cần xác minh lại một cách cẩn thận. Người lao động có thể tìm đến các trung tâm giới thiệu việc làm của Sở LĐ-TB&XH Hà Nội. Các trung tâm này thường có các phiên giao dịch định kỳ, người lao động có thể gặp trực tiếp đơn vị tuyển dụng mà không mất phí.
Leave a Reply