Từ ‘cò đất’ trở thành ông chủ website gọi được 500 000 USD vốn trong lần đầu tiên
Do đó, ý tưởng phát triển dự án công nghệ trong lĩnh vực bất động sản có ích cho người Việt lại nhen nhóm trong anh.
Lần khởi nghiệp thứ ba với công cụ định giá bất động sản, Nguyễn Tấn Phát đã nhận 500.000 USD trong lần gọi vốn đầu tiên.
Đang học năm nhất đại học ngành công nghệ, Phát bỏ ngang vì cảm thấy không hợp. Năm 2008, nhận thấy thị trường bất động sản phát triển, sẵn máu kinh doanh, Phát theo chân đàn anh học việc và trở thành “cò đất”.
Thế nhưng, trong lòng của chàng trai trẻ vẫn canh cánh câu hỏi: “Chẳng lẽ suốt đời chỉ là một cò đất, mình sẽ làm gì để phát triển và giúp ích cho xã hội?”. Tích cóp được ít tiền trong 3 năm, cuối 2011, Phát sang Anh du học tự túc nghành Quản trị kinh doanh.
Trong những năm tháng học tại Anh, chàng trai quê Bình Dương làm đủ nghề, như rửa chén, phục vụ, giao nhận… để mưu sinh, nhưng máu kinh doanh vẫn âm ỉ trong người. Phát cùng một số bạn bè lập nên công ty quảng cáo.
“Mình nhận làm quảng cáo dạng chia sẻ, đây là loại hình quảng cáo mới, hình thức ăn chia với những ai có nhu cầu đăng quảng cáo trên Facebook. Thương vụ đầu tiên ký được hợp đồng 3.000 USD, nhưng vì nắm chưa rõ luật sở tại, họ nói mình làm ăn không hợp lệ nên bên Facebook ở Anh đã cho luật sư khởi kiện nếu không ngưng lại chương trình này. Vậy là phá sản”, Phát nhớ lại.
Cuối 2013, Phát về nước làm không lương tại Trung tâm Công nghệ và đổi mới TIC (Technology & Innovation Center) – một quỹ đầu tư cho doanh nghiệp khởi nghiệp ở Bình Dương. Đây là lúc Phát phát huy tối đa khả năng và bản lĩnh của mình vì được giao chức vụ giám đốc phát triển dự án.
9 tháng sau, Phát thôi việc và cùng bạn bè lập mô hình siêu thị dành cho công nhân tại khu chế xuất.
Cửa hàng đầu tiên cho doanh thu một ngày khoảng trăm triệu đồng. Dự tính mở cửa hàng tiếp theo thì Phát gặp vấn đề về quản lý, vì ngành nghề này cần phải có một guồng máy từ thu mua hàng, logictics, vận chuyển… Thiếu đội ngũ quản lý giỏi, cộng thêm đối tác yêu cầu tất cả công nhân (hơn 4.000 người) phải thanh toán tiền qua thẻ, Phát trở tay không kịp. Thương vụ này ngốn của Phát hơn 1 tỷ đồng.
Trắng tay, nhưng không nản chí, Phát ứng tuyển cho một công ty công nghệ Singapore tại Việt Nam và thường xuyên đi lại giữa hai nước, có cơ hội tiếp xúc các bạn trẻ khởi nghiệp thành công.
Nhớ lại quãng thời gian làm bất động sản trước đó, anh nhận thấy tính minh bạch của thị trường Việt Nam chưa cao, trong khi ở các nước trên thế giới, chỉ cần một cú nhấp chuột là người kinh doanh bất động sản có thể nắm mọi thông tin cần thiết. Do đó, ý tưởng phát triển dự án công nghệ trong lĩnh vực bất động sản có ích cho người Việt lại nhen nhóm trong anh.
“Chưa có công cụ hữu ích giúp nhà đầu tư lẫn người mua, người bán định giá tương đối chính xác giá trị thực của bất động sản. Một vài trang web chỉ dừng lại ở việc cung cấp địa chỉ để đăng tin, chứ chưa đưa ra tư vấn hữu ích giúp người bán và người mua yên tâm hơn với quyết định của mình”, Phát giải thích.
Ngay khi Phát trình bày ý tưởng, một nhà đầu tư cá nhân đã quyết định bỏ ra trên 500.000 USD (hơn 10 tỷ đồng) để đầu tư. Theo khảo sát của nhóm Phát, trong quyết định giao dịch những khối tài sản lớn như bất động sản, phụ nữ thường là người có tiếng nói quan trọng, trong khi họ không giỏi công nghệ thông tin. Công cụ của Phát được mô tả là “dễ như việc tra cứu Google”.
Để cho ra công cụ định giá khác biệt, Phát và nhóm cộng sự mất khoảng một năm. Kết quả là gachvang.com ra đời vào tháng 3/2016, cung cấp mức giá cụ thể cho hơn 70.000 con đường tại 63 tỉnh thành trên toàn quốc.
Bước một của gachvang là định giá bất động sản tại đường, phường, quận, thành phố. Bước thứ 2 của dự án sẽ đi vào chi tiết hơn đến từng con hẻm. Bước tiếp theo nữa mà Phát muốn triển khai là trên từng con đường sẽ có bao nhiêu căn nhà, mỗi căn nhà có giá bao nhiêu, mỗi dự án bất động sản sẽ có giá bao nhiêu và từng căn hộ sẽ có giá thế nào…
Phát cho biết, ở nhiều quốc gia phát triển, công cụ định giá bất động sản đã trở nên quen thuộc với cả chính phủ và người dân. Trong khi tại nhiều quốc gia, công đoạn thu thập dữ liệu khá đơn giản thì ở Việt Nam, mọi việc phức tạp hơn.
“Chúng tôi đã cố gắng để đưa ra mức định giá chính xác nhất với sai số trong mức cho phép, hiện dao động 17-18%. Mức sai số này vẫn còn khá lớn so với nhiều quốc gia khác (ở Mỹ, sai số 2-5%). Tuy nhiên, với một thị trường ít tính ‘chính quy’, đây là nỗ lực lớn”, Phát nói. Để kiểm chứng tính minh bạch, nhóm đánh giá ngược lại từ các nguồn báo giới, công ty, rồi so sánh lại hệ thống để khách hàng yên tâm hơn.
Giám đốc sinh năm 1988 này cho biết thêm, trong 2 năm đầu, khách hàng truy cập và đăng tin miễn phí. Bù lại, giá trị công ty thu được nằm ở dữ liệu người dùng. Hiện mỗi ngày có gần 3.000 lượt vào gachvang.com để tìm kiếm định giá.
Leave a Reply