Chàng trai hai lần bỏ học làm giàu trong khi không có đồng nào trong tay
Anh lấy ví dụ, trong một thị trường thẩm mỹ đang bão hoà, nếu một cô gái vốn sợ đau, sợ biến chứng khi thẩm mỹ vô tình lướt Facebook được xem video quay lại thật về một bạn gái tươi cười từ lúc bước vào thẩm mỹ đến lúc làm xong, sẽ nghĩ lại.
Bằng tuổi các sinh viên vừa ra trường, Hoàng Anh Sơn (quê ở Việt Trì, Phú Thọ) đã điều hành một công ty chuyên về marketing với doanh thu ổn định. Chàng trai sinh năm 1994 này thực tế đã đảm nhận công việc marketing, tạo dựng thương hiệu cho nhiều nhãn hàng từ vài năm trước, khi trong tay không có bằng đại học.
Sơn đã hai lần bỏ học đại học để quyết dành thời gian cho con đường marketing. Lần đầu bỏ khi Sơn đang là sinh viên được học bổng toàn phần 4 năm ngành công nghệ phần mềm. Theo học IT một thời gian, dù có học bổng nhưng Sơn nhận ra đây không phải đam mê thực sự và quyết định bỏ để chuyển sang học về kinh tế, chuyên về marketing.
Khi học ngành này, Sơn lại thấy không đồng tình với quan điểm trong giáo trình cũng như tư duy truyền thống. “Xây dựng website khi đó được dạy là cách hiệu quả nhất để bán hàng. Cá nhân mình nghĩ đó là kiến thức cũ, trong khi giai đoạn 2 năm gần đây, việc xây dựng fanpage và marketing qua mạng xã hội lại cho thấy hiệu quả”. Do đó, Sơn quyết định không ngồi giảng đường Đại học nữa mà ra ngoài vừa làm vừa học.
Sơn cũng dùng chính tư duy marketing này để áp dụng cho các thương hiệu mà mình xây dựng trong hai năm qua. Nhận làm cho một thẩm mỹ viện nhỏ, trong một năm rưỡi, chiến thuật của Sơn giúp đơn vị này tăng doanh thu từ 200 triệu đồng lên con số tiền tỷ và đến nay đã trở thành một trong những đơn vị uy tín trong ngành. Thử sức với một thương hiệu cũng trong ngành làm đẹp khác, Sơn cũng giúp doanh thu của đơn vị đó tăng gấp đôi, được định giá triệu đô.
Cách marketing của Sơn là tận dụng tối đa mạng xã hội và chọn cách marketing không giống đám đông. Ví dụ như khi chịu trách nhiệm quảng bá cho một thẩm mỹ viện, thay vì như các đơn vị khác làm MV hoành tráng, thuê người mẫu nổi tiếng, chụp ảnh chuyên nghiệp…, Sơn lên chiến dịch đơn giản bằng cách sử dụng điện thoại để selfie, người mẫu chính là nhân vật đời thường để mang đến cho người xem trải nghiệm thật.
Hằng tháng, Sơn chạy các chiến dịch chọn ra những cá nhân có ngoại hình chưa được ưa nhìn, nhưng có mong muốn được thay đổi và thẩm mỹ viện sẽ thực hiện những thay đổi ấy cho họ. “Quá trình làm, thực hiện mình đều dùng điện thoại của chính nhân vật quay lại, từ khi vẫn là khuôn mặt xấu xí cho đến khi ở trong phòng phẫu thuật và hoàn thiện thành cô gái đẹp. Chưa kể, chi phí chiến dịch như thế bằng một phần mười so với cách làm khuyến mại và quảng cáo rộng rãi truyền thống. Việc đó lại mang đến cho khách hàng cảm giác thật”, Sơn kể.
Theo Sơn, các kênh marketing thì ai cũng có thể sử dụng, sự khác biệt nằm ở “tài nguyên não”. Người làm cần thấu hiểu chính sản phẩm và dịch vụ của mình, sau đó phải phân tích thật kỹ khách hàng mục tiêu, tìm hiểu họ đang mong muốn gì. “Kể cả họ không có nhu cầu, mình sẽ tạo nhu cầu cho họ bằng cách khai thác vào những khía cạnh cảm xúc”, Sơn nói. Anh lấy ví dụ, trong một thị trường thẩm mỹ đang bão hoà, nếu một cô gái vốn sợ đau, sợ biến chứng khi thẩm mỹ vô tình lướt Facebook được xem video quay lại thật về một bạn gái tươi cười từ lúc bước vào thẩm mỹ đến lúc làm xong, sẽ nghĩ lại.
Khác với việc làm giàu từ start-up qua các công ty của riêng mình, bằng con đường marketing, đi bán hàng cho người khác, Hoàng Anh Sơn không phải bỏ đồng vốn nào nhưng nhận thu nhập theo doanh thu của thương hiệu đó. “Có thương hiệu mình hưởng doanh thu hoa hồng từ marketing chỉ 5% doanh thu nhưng cũng có những lĩnh vực mình được chia 10-20%”, Sơn nói.
Sau một thời gian nhận làm marketing cho các thương hiệu, Hoàng Anh Sơn cũng quyết định mở một công ty riêng. Tuy nhiên, doanh nhân trẻ này cho rằng lập công ty hay không không quan trọng bằng việc tư duy marketing của bạn là gì. Xu hướng marketing hiện nay là đề cao giá trị thật bởi vì khách hàng bây giờ quá thông minh. “Khi tư vấn cho một thương hiệu nào bạn nên cố gắng tìm ra cái gì đó là ‘chất’ nhất của họ và phải truyền thông sao cho công ty đó, những con người ở công ty đó cũng là những chuyên gia am hiểu lĩnh vực trên mạng xã hội để khách hàng thêm tin tưởng”, Sơn nói.
Nói thêm về việc bỏ học đại học, Sơn thừa nhận không nên xem việc này như một thành tích. “Dù không học đại học nhưng mình phải học hỏi liên tục về marketing, cả trên sách vở lẫn trong quá trình làm việc. Mình học từ những vị trưởng phòng khi đi làm thuê đến những giám đốc các thương hiệu thuê mình. Chính họ là những người dạy bạn tốt nhất về marketing bởi họ là người đầu tiên bán hàng nên hiểu rất rõ khách hàng muốn gì”, Sơn phân tích.
Leave a Reply