Sinh viên kiếm thêm thu nhập khủng với việc làm thêm dịp tết
Có nhiều nơi mời chào rất hấp dẫn hứa hẹn mức lương rất tốt trong một thời gian ngắn. Với những lời quảng cáo dịch vụ không có tên hay địa chỉ rõ ràng, mà chỉ có số điện thoại thì nguy cơ tiềm ẩn rất cao.
Mỗi khi tết đến, đây là dịp để gia đình sum họp, hỏi thăm và chúc sức khỏe nhau. Nhưng nhiều sinh viên xem tết là một cơ hội để kiếm thêm chút tiền trang trải cho cuộc sống đang khó khăn của mình.
Nhiều sinh viên cho biết để về quê ăn tết, riêng tiền tàu xe cả đi cả về là mất khoảng 3,5 triệu. Nếu ở lại không về quê thì vừa tiết kiệm được số tiền đó lại vừa có cơ hội làm thêm để có tiền trang trải cho cuộc sống sắp tới. Có nhiều sinh viên 3,4 năm không về quê ăn tết là chuyện bình thường.
Công việc tết cho các bạn trẻ dịp tết thường là các việc như bán hàng (quán ăn, cà phê, cửa hàng); Làm MC, PG cho các sự kiện; Kinh doanh hoa tết. Tết là dịp mà nhu cầu xã hội cao trong khi người làm ít hơn, nên tiền lương trả cũng cao hơn nhiều lần so với ngày thường.
Với những ai có kỹ năng thì có thể làm cộng tác viên cho các báo, hay chụp ảnh tết.
Cũng có những bạn trẻ muốn kiếm tiền dịp tết, nhưng lại không muốn làm các công việc như phục vụ, nên đã sinh ra nhiều chuyện hài hước
Ăn cỗ thuê
Ăn cỗ thuê dễ thu hút sinh viên, vì vừa đơn giản lại còn được ăn uống thoải mái, nhưng nhiều trường hợp lại không hẳn như thế.
Hoàng Đông, sinh viên một trường ĐH chia sẻ với Báo Đời Sống Pháp Luật: “Cứ tầm cuối năm mình lại đăng ký đi ăn cỗ cưới thuê. Khi kí hợp đồng nghiêm ngặt lắm. Gặp được đám dễ thì chỉ ăn xong rồi về. Nhưng có đám thì phải ở lại tiếp khách đến mệt. Nhiều hôm uống say quá”.
Theo Đông chia sẻ có những đám, Đông còn phải đọc kịch bản đến thuộc lòng, có lúc còn bị người thuê giám sát từng tí một. Nhiều lúc áp lực quá, còn làm hỏng cả kịch bản.
An An, sinh viên Báo chí chia sẻ với Báo Đời Sống Pháp Luật: “Em cũng mấy lần đi ăn cưới thuê rồi. Thu nhập giao động từ 100.000- 300.000/ đám. Có lần, em đến dự một đám cưới của một gia đình quyền quý ở Hà Nội, do bỡ ngỡ vì họ quá cung kính, nên em mất tự tin. Gia đình cô dâu cứ ngỡ em là bồ của khách nhà họ, nên suốt buổi cứ chú ý về em”.
Thuê người yêu ra mắt dịp tết
Tết đến cũng là dịp dịch vụ ra mắt người yêu phát triển rầm rộ. Những sinh viên nữ xinh đẹp rất dễ tìm được hợp đồng đắt giá.
Bạn Hoài An tâm sự với Báo Đời Sống Pháp Luật: “Mình có người yêu rồi, nhưng vì bạn rủ nên cũng tham gia “đóng thế” để kiếm ít tiền tiêu tết. Ai ngờ bị người yêu nhìn thấy, đánh ghen một trận. Thế có khổ không cơ chứ. Tí nữa thì chia tay vì hiểu nhầm”.
Bạn Minh Chi chia sẻ: “Nhiều khách hàng lịch sự thì không vấn đề gì. Nhưng có những khách hàng phá điều lệ hợp đồng, đòi hỏi thái quá. Mình phải tìm cách chạy…mất dép, nhỡ không họa vào thân”.(Đời sống Pháp Luật)
Đến những cạm bẫy
Có nhiều nơi mời chào rất hấp dẫn hứa hẹn mức lương rất tốt trong một thời gian ngắn. Với những lời quảng cáo dịch vụ không có tên hay địa chỉ rõ ràng, mà chỉ có số điện thoại thì nguy cơ tiềm ẩn rất cao.
Hồng Loan, sinh viên năm thứ hai trường Đại học Tài nguyên môi trường Hà Nội kể lại sự việc của mình. Sau khi liên hệ theo số điện thoại trên tờ rơi được phát trước cổng trường sau giờ học, Loan rủ người bạn cùng phòng đến “văn phòng” giới thiệu việc làm ở phố Tam Trinh để trao đổi công việc.
Khác với những gì cô bạn tưởng tượng, gọi là văn phòng nhưng ở đó chỉ có 2 chiếc bàn với ít giấy tờ, không hề có biển hiệu tên cơ sở là gì, nhất là theo lời Loan “người ở đó trông cũng chẳng ra dáng nhân viên gì cả”.
Tuy nhiên, vì háo hức đi làm kiếm tiền về sắm tết, Loan vẫn nộp hồ sơ với lệ phí 50.000 đồng. dù lúc đầu trên tờ rơi ghi rõ “không cần nộp lệ phí”. Không chỉ vậy, một nhân viên ở đây lại dẫn Loan và người bạn sang một “văn phòng” khác để “phỏng vấn”. Sau màn phỏng vấn ấy, nhân viên ở đó lại yêu cầu nộp lệ phí 150.000 đồng nếu muốn đi làm luôn vì dịp tết số người đăng ký rất nhiều.
Đoán ra mình đã bị lừa, Loan nói dối không chuẩn bị đủ tiền nộp nên sẽ quay lại sau rồi “chuồn thẳng”. Loan chia sẻ: “Cũng may mình nhận ra là bị lừa không thì chẳng biết sẽ phải nộp thêm bao nhiêu tiền nữa.”
Hải là sinh viên Trường ĐH Giao Hải ở lại thủ đô xin làm phục vụ cho một quán cà phê ở phố Hàng Nón. Mặc dù làm thời vụ nhưng cửa hàng này vẫn có hợp đồng rõ ràng khiến Hải an tâm. Sau 10 ngày làm thêm, Hải bị chủ quán bắt chẹt, phải đền bù vì nghỉ ngang, dù trước đó có thỏa thuận về thời gian làm việc. Cậu không ngờ được rằng, bản hợp đồng có vẻ rất minh bạch kia là “có thời hạn”, song lại không ghi rõ trong bao lâu.
Trần Thị Nhung (sinh viên Trường ĐH Văn Lang) đã xin được việc đứng đón khách tại nhà hàng tiệc cưới, mức thù lao từ 80.000 – 200.000 đồng/giờ. Nhưng trước ngày về quê, lãnh tiền lương Nhung mới hay bị quản lý trừ những khoản tiền phạt vô lý như trang điểm lợt, đứng cầm điện thoại, cười ít…
Đúng là trong thời gian đón khách có khi bị nhắc nhở, nhưng Nhung lại không nghĩ bị trừ tiền như vậy. Trong nội dung hợp đồng có điều khoản trừ tiền khi vi phạm các quy định, nhưng Nhung chủ quan… thế là vất vả làm thêm cả tháng mà chẳng đủ tiền xe về quê.
Còn Ngô Khánh Đạt (quê Bình Thuận, sinh viên năm cuối Trường ĐH Nguyễn Tất Thành) dò tìm mỏi mắt việc làm trên mạng mới thấy thông tin rao tuyển nhân viên phục vụ làm theo giờ, lương cao. Ngay cuộc gọi đầu tiên, Đạt phấn khởi vì người phỏng vấn hẹn tại một quán nước, và Đạt đi gặp ngay. Người tuyển cho hay những việc họ rao trên mạng đã tuyển đủ người.
Do vậy, Đạt đành nhận làm phục vụ hưởng lương tháng ở một nhà hàng, nhưng phải trả cho người phỏng vấn 500.000 đồng, có biên lai thu, nếu thấy không phù hợp sẽ được đổi công việc khác trong vòng 1 tháng. Làm việc nặng, về rất muộn, nhưng quản lý bắt bẻ đủ điều nên Đạt xin nghỉ. Sau đó, Đạt liên hệ nơi rao tuyển để được giới thiệu tìm việc khác, thì không ai biết người nhận tiền là ai, biên lai không hợp lệ, gọi điện thoại cho người phỏng vấn thì không nghe máy. Quay lại hỏi chủ nhà hàng thì chỉ đăng tin trên mạng chứ không biết người môi giới. Đã bị lừa mất tiền cọc, mà tiền lương làm 1 tuần cũng không được trả, do bị giữ lại thế chân khi mới làm.
Nghề PG (quảng bá thương hiệu, sản phẩm) đang được rất nhiều sinh viên tìm kiếm, do việc nhẹ nhàng, lương cũng khá cao, làm thời vụ ngắn. Trên Facebook thường có công ty, quản lý đăng tuyển nhóm tìm việc PG. Nhưng nhiều người môi giới lợi dụng tuyển sinh viên làm thêm, rồi quỵt tiền lương.
Đinh Diệu Huyền kể: “Nghề PG cũng khổ. Nhiều doanh nghiệp tiết kiệm chi phí thuê các công ty quảng cáo nên tự làm, thông qua người có đội ngũ nhân viên sẵn sàng làm việc ngay. Hết chương trình lâu mà chưa nhận được lương, chúng tôi gọi người đứng ra phỏng vấn, nhưng không liên lạc được mới biết bị lừa. Coi như đi làm không công, nhất là giai đoạn gần tết rất nhiều đối tượng lừa đảo xuất hiện”.
Một sinh viên làm thêm phục vụ quán ăn chia sẻ với Đại Kỷ Nguyên rằng “Nhà tôi không có khá giả gì, Tết là khoảng thời gian tôi có thể phụ giúp gia đình. Thế là tôi xin phụ quán ăn ở gần nhà, tôi đã phải thay đổi lại cách nhìn nhận về xã hội hiện đại kể từ đó.
Sinh viên mà, bình thường chỉ loanh quanh trong trường, loanh quanh ký túc xá với những quán ăn quán nước ven đường ‘giá sinh viên’, đi chơi tán gẫu cùng bạn bè. Từ khi đi làm ở đấy, ngày ngày cầm xô, gắp đá,….bưng bê đồ ăn, gặp khách thì phải chào hỏi, lúc nào cũng cố gắng cười, đôi khi bị người ta nói mấy câu chọc ghẹo cảm thấy rất khó chịu nhưng chỉ dạ dạ qua loa cho xong. Vì mới vào làm nên tôi lóng ngóng lắm. Treo biển là quán ăn mà khách đến đây toàn dân nhậu, toàn con nhà giàu, già có, trẻ có, nhân viên phục vụ cũng có em còn nhỏ tuổi hơn tôi mà sành sỏi đủ thứ, nói chuyện, phục vụ, ‘chăm sóc’ khách thì khỏi phải nói, bọn nó đâu cần gì chỉ cần có tiền ‘bo’, cho em ý vài trăm thì tuổi cỡ 50, 60 em ý cũng gọi anh anh em em ngọt xớt. Thật buồn cười khi một đứa phục vụ gọi ‘anh, em’ với ngưới đáng tuổi bác, tuổi chú, tuổi ông mình”.
Tết là dịp để sinh viên có cơ hội làm thêm, cũng là dịp mà nhiều dịch vụ việc làm mọc ra chào đón khắp nợi, thật có, giả có, khó mà phân biệt được.
Ông Nguyễn Trọng Hoàng, Trưởng phòng của Trung tâm Hỗ trợ học sinh – sinh viên TPHCM cho báo Sài Gòn Giải Phóng biết: “Mỗi năm, các đối tượng lừa đảo luôn thay đổi phương thức mới với kịch bản tinh vi nên không thể cảnh báo trước được. Những nơi tuyển dụng dễ dàng, công việc nhẹ nhàng mà trả lương cao thì phải thận trọng vì dễ dàng sập bẫy. Nên tìm việc ở công ty lớn không qua trung gian, hoặc qua các trung tâm giới thiệu việc làm uy tín để không bị mất tiền cọc. Và phải chú ý đọc kỹ hợp đồng trước khi ký.
Với những người môi giới lấy tiền trên đầu việc, phải thận trọng với những lời hứa hẹn nâng tầm giá trị công việc cao sang, nhàn rỗi, lương cao, vì khi nộp tiền môi giới rồi thì đến nơi phỏng vấn mới hay trái ngược hoàn toàn, do vậy phải nhận định được công việc chứ không nghe những lời chung chung.”
Leave a Reply